Vào những ngày hè oi ả, việc lựa chọn cho mình những que kem tươi mát, ngon nghẻ để giải nhiệt là điều không thể thiếu. Dạo gần đây, kem Trung Quốc đã phủ sóng khắp thị trường, được người dân ồ ạt mua về ăn giải nhiệt bởi được gắn mác “hàng nội địa Trung Quốc”, và quan trọng hơn là giá loại kem này khá rẻ.
Những thùng kem nội địa Trung Quốc đang được rao bán trên mạng xã hội phổ biến dao động chỉ với giá từ 115.000 - 200.000 đồng/40 cái. Loại kem này hương vị tổng số đến 40 vị. Quy ra thành tiền thì giá mỗi que kem còn chưa đến 3.000 đồng/chiếc.
Dù loại kem này chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng hơn vài tháng, kem nội địa Trung Quốc lại đang phủ sóng thị trường, được nhiều người quan tâm và có sức tiêu thụ rất lớn. Rao bán loại kem này trên mạng với giá 200.000 đồng/40 chiếc, một người bán chia sẻ trên trang cá nhân rằng: “Kem này ăn không buốt răng như kem Việt mình, nhiều vị, ăn mát, không ngọt quá, và có hương vị tự nhiên hơn kem Việt mình.”
Phỏng vấn một người buôn giá sỉ, chị cho biết: “ Kem này là hàng nội địa, nhập trực tiếp từ Trung Quốc nên chị cần một đêm là có thể đáp ứng được lượng hàng lớn cho khách. Đặc biệt, khi lấy sỉ khách buôn nhỏ lẻ có thể lấy theo từng vị, hoặc chọn nhiều vị. Giá thành tính theo số lượng kem mua, mua càng nhiều giá càng rẻ, kem nội địa Trung Quốc, dân Trung Quốc ăn ầm ầm nên mọi người không phải lo về chất lượng. Hàng nội địa nên cái gì cũng tốt và ngon nhé”, người bán này khẳng định thêm.
Người mua cũng rỉ tai nhau rằng nếu là hàng nội địa Trung Quốc thì sẽ an toàn. Vậy, với những loại hàng được gọi là “hàng nội địa Trung Quốc” nói chung và kem nội địa Trung Quốc nói riêng đang được bày bán khắp trên thị trường thì liệu có thể tin tưởng về nguồn gốc, xuất xứ cũng như độ an toàn khi từ bao bì bên ngoài đến bên trong chỉ toàn tiếng Trung?
Vì nên, hiện tượng này đặt ra một câu hỏi lớn, nếu chỉ chạy theo giá cả và sự ngon lành trước mắt mà không quan tâm đến quy trình sản xuất, nguyên liệu hay độ vệ sinh, thì đến bao giờ những sản phẩm nội địa ở Việt Nam chất lượng được đảm bảo mới vượt qua cái mác “nội địa Trung Quốc” tràn lan trên thị trường ngoài kia?